Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết hoạt động của Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 và sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết hoạt động của Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 và sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết hoạt động của Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 và sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06
Sáng 25/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06); tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai các nhiệm vụ năm 2023 và trong thời gian tới của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Cùng chủ trì hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.
Dự hội nghị tại điểm cầu huyện Thủy Nguyên có các đồng chí: Nguyễn Huy Hoàng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện; Uông Minh Long, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện; lãnh đạo một số phòng, đơn vị huyện và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn.

Hình ảnh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Năm 2022 là năm của những biến động nhanh, phức tạp, khó lường và có nhiều vấn đề chưa có tiền lệ. Nhưng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, kinh tế - xã hội năm 2022 của đất nước đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Trong thành tựu chung đó có đóng góp của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự đóng góp của công tác chuyển đổi số. Năm 2023 là năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, chuyển đổi số quốc gia có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nhất là phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ hậu COVID-19; xa hơn là vai trò của chuyển đổi số trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng khẳng định: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc đối với chúng ta, đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành. Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Thủ tướng đề nghị các đại biểu dự hội nghị đánh giá rõ ràng, khách quan việc thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06. Đồng thời, nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, “điểm nghẽn” cản trở đến công cuộc chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06; tìm đúng nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, từ đó đề ra những giải pháp cụ thể, hữu hiệu đối với việc triển khai chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 trong năm 2023, cũng như trong dài hạn.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu huyện Thủy Nguyên.
Báo cáo kết quả triển khai Đề án 06 tại hội nghị nêu rõ: Công tác chỉ đạo triển khai Đề án 06 đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện quyết liệt. Nổi bật là kết quả thực hiện các dịch vụ công đã hoàn thành, đưa 21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân lên môi trường điện tử. Riêng ngành Công an đã cung cấp 227/227 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có nhiều nội dung thiết thực được người dân đón nhận như cấp hộ chiếu, đăng ký xe, các thủ tục về cư trú...
Bên cạnh đó, việc ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bước đầu cung cấp 8 sản phẩm dữ liệu dân cư cho cơ quan, tổ chức, cá nhân; ứng dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế phục vụ khám, chữa bệnh tại 94% cơ sở y tế. Về phát triển công dân số, đây là một bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia. Đến cuối năm 2022 hệ thống đã thu nhận hơn 18,7 triệu hồ sơ đăng ký, phê duyệt trên 17 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân; cung cấp 76,5 triệu thẻ căn cước công dân gắp chíp điện tử cho công dân…
Báo cáo kết quả triển khai chuyển đổi số năm 2022 nêu rõ: Về hạ tầng số, tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 79,95 Mbps, tăng 29,6% so với năm 2021, xếp thứ 45 và cao hơn mặt bằng chung của thế giới là 71,39 Mbps. Về nền tảng số, Bộ TT&TT đã phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo phát triển, đánh giá và công bố 50 nền tảng số phục vụ Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Về Chính phủ số, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã kết nối đến 100% huyện, xã trên toàn quốc. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đã kết nối với hơn 90 bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp. Kinh tế số, xã hội số có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Có 99% doanh nghiệp nộp thuế điện tử; 100% doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng hoá đơn điện tử…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận đánh giá những kết quả đạt được, những việc chưa làm được, phân tích, chỉ rõ những nguyên nhân. Đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia và thực hiện Đề án 06 trong thời gian tới, như: Người đứng đầu các ngành, các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện lộ trình chuyển đổi số và Đề án 06 với quyết tâm chính trị cao, xuyên suốt từ Trung ương tới cơ sở. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai các nội dung của Đề án 06, nhất là đối với những nội dung mới chưa có tiền lệ; nâng cao hiệu quả thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện. Đẩy mạnh phát triển công dân số và tăng cường nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử. Tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối dùng chung, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Rà soát đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, Đề án 06. Đồng thời nhấn mạnh năm 2023 tình hình dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, thời cơ thuận lợi đan xen nhưng thách thức nhiều hơn, vì vậy các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cần thúc đẩy chuyển đổi số và Đề án 06, góp phần giảm bớt những khó khăn, thách thức để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phục vụ thiết thực đời sống Nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Tổ công tác triển khai Đề án 06 trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia, Đề án 06 một cách chủ động, tích cực, hiệu quả. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về chuyển đổi số và các nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phát triển kinh tế - xã hội. Người đứng đầu các bộ, ban, ngành, địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình chuyển đổi số và Đề án 06 với quyết tâm chính trị cao, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở. Đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh lộ trình thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06 trong năm 2023 và các năm tiếp theo./.
Theo Cổng TTĐT huyện Thủy Nguyên